No Widgets found in the Sidebar

Đọc truyện cười hay nhất: Truyện cười về Trạng Quỳnh – tiếp theo, chúc các bạn có những giây phút thư giãn

truyen cuoi hay

truyen cuoi hay

1. TRẢ ƠN BÀ CHÚA LIỄU

Gặp khoa thi, Quỳnh ra ứng thí. Đường đi qua đền Sòng, Quỳnh vào yết Chúa Liễu, xin Chúa phù hộ cho, đỗ thì xin trả lễ. Quỳnh ra thi, quả nhiên đỗ thật. Vinh quy về, Quỳnh mua một con bò mẹ, một con bò con đem đến lễ. Quỳnh quỳ xuống lạy, rồi dắt con bò mẹ đến buộc vào tay ngài mà khấn rằng:
– Chúa có lòng thương phù hộ cho Quỳnh được đỗ, nay gọi là có một con bò để trả lễ. Xin Chúa nhận cho. Chúa là chị, xin lễ con lớn, còn con nhỏ, em xin đem về khao dân
Nói rồi, dắt bò con về. Con bò mẹ thấy dắt mất con đi, lồng lên chạy theo, làm ngai Chúa đổ lổng chổng, lộng gãy cả. Quỳnh cười nói:
– Chị thương em nghèo, trả không lấy, thì em xin đem về vậy.
Nói rồi dắt cả hai mẹ con bò về.

 2.ĐẦU TO TẠ CHÚA LIỄU BA BÒ

Chuyện Quỳnh lừa bà Chúa Liễu chỉ cúng bò bằng lời khấn suông, lại còn làm đổ gãy cả tai ngai, làm Chúa giận lắm, nên Chúa bắt vợ Quỳnh ốm lăn ốm lóc. Theo yêu cầu của vợ, Quỳnh đành phải đến đền khấn, để Chúa Liễu giải hạn cho. Quỳnh đến, khấn:
– Em lỡ đùa với chị, em có lỗi, thì chị quở em, sao chị lại phạt vợ con em bắt phải ốm, mà họ có tội tình gì? Em xin chị tha cho vợ con em, và xin lần này sẽ tạ chị ba bò, em sẽ để ở ngoài sân, chứ không dám vào đền, chị yên tâm, khỏi phải lo gãy đổ.
Chúa Liễu nghe Quỳnh nói lễ những ba bò thì mừng lắm. Lại hứa cúng ở ngoài sân, như thế, thì Quỳnh cũng tỏ ra biết điều.
Khi vợ con hết ốm, Quỳnh lững thững đến đền với đôi tay không, rồi đứng trước bàn thờ Chúa Liễu, chắp tay khấn:
– Chị đã phù hộ cho vợ con em tai qua nạn khỏi, biết ơn chị, nay giữ đúng lời hứa, em xin tạ chị đủ “Ba bò” ở ngay tại sân đền.
Nói xong, Quỳnh từ từ lui ra, rồi quỳ xuống, bò đúng ba vòng trước sân. Bò xong, Quỳnh phủi tay, đứng dậy, ngoảnh mặt vào phía bàn thờ Chúa Liễu cười:
– Thế là chị sướng nhá! Em tạ chị lần này những “Ba bò” đấy!
Xong, Quỳnh ung dung bước ra về, để lại nỗi tức giận tràn hông cho Chúa Liễu

3. QUỲNH CÚNG THẦN HOÀNG

Lần khác, vợ Quỳnh ốm, thuốc thang chữa mãi không khỏi, xem bói, thì ra không phải tại Chúa Liễu mà do động Thành Hoàng bản thổ. Quỳnh ra đình khấn vái, xin Thành Hoàng cho khỏi, sẽ sửa gà lễ tạ. Khấn xong, về đến nhà thì vợ đã khỏi rồi. Bà vợ giục làm gà lễ tạ, Quỳnh bảo:
– Được, nhà không có gà ta có cái khác để lễ tạ rồi. Rồi Quỳnh vào ổ gà, thủ hai quả trứng, đem luộc. Người nhà tưởng luộc để đánh gió. Một lúc, Quỳnh khăn áo chững chạc, cầm cái đĩa và hai quả trứng đi. Người nhà lấy làm lạ, đi theo xem, thì thấy Quỳnh vào đình để đĩa trứng lên hương án rồi đứng đọc bài văn tế nôm rằng:
Chú là kẻ cả trong làng,
Ta là người sang trong nước,
Đôi bên chức tước chả kém gì nhau.
Vì trẻ nó đau, phải ra khấn vái.
Phiên chợ thì trái, không mua được gì.
Nhà có con ri nó vừa nhảy ổ,
Bắt ra mà mổ, nghĩ cũng thương tình,
Chú có anh linh, xơi hai trứng vậy.
Khấn xong, chẳng lễ, chẳng vái gì trở ra về nói với vợ là yên tâm dưỡng cho thật lành bệnh bởi Thần hoàng đã nhận lễ mà bằng lòng rồi.

4. BÀ BANH HẾT CẢ LINH THIÊN

Hồi ấy, gần xứ Quỳnh ở, có một pho tượng đá rất kỳ lạ, trần truồng đứng giữa đồng, miệng tủm tỉm cười, tay trỏ xuống chỗ kín, gọi là tượng bà Banh.
Pho tượng kỳ cục vậy nhưng linh lắm, ai đi qua trông thấy, nhếch mép cười thì không xếch mồm cũng méo miệng. Đồn rằng đó là chỗ người Tàu giấu của, thiêng lắm. Quỳnh nghe đồn, đi xem. Đến nơi thấy tượng trần truồng mà chân lại đi giày, cổ đeo hạt. Quỳnh không cười không nói, cầm bút đề ngay vào ngực tượng một bài thơ nôm rằng:
Khen ai đẽo đá tạc nên thầy!
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây?
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt.
Dưới chân đứng chéo một đôi giày,
Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay là bốc gạo thử thanh thầy?
Có ngứa gần đây nhiều gốc dứa,
Phô phang chi ở đám quân này.
Quỳnh đề thơ xong, bỏ đi. Tượng đá bỗng toát mồ hôi ra từ đó mất thiêng.

5. PHẬT SAY

Làng Thụy Chương xưa là một làng nổi tiếng về nấu rượu. Rượu ở đây thơm ngon đặc biệt.
Mé trước làng ở ven hồ Tây có một ngôi chùa nhỏ. Thời Lê Trung Hưng, chùa đổ nát chỉ còn trơ một pho tượng tay chống gậy, xiêu vẹo, nghiêng ngả.
Một hôm Quỳnh vào làng mua rượu, thấy pho tượng như vậy, mới làm mấy câu thơ
đùa:
Ông đứng chi mà đứng mãi đây?
Dập dềnh như tỉnh lại như say,
Vãi nào đã chuốc cho ông rượu?
Còn có cho vay một nậm đầy?
Tương truyền từ đó, dân làng ai cũng gọi tượng là “Phật say”.
Dòm Nhà Quan Bảng
Tương truyền rằng Quỳnh sinh cùng thời với nữ sĩ nổi tiếng, người đã dịch Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn ra thơ Nôm là Đoàn Thị Điểm.
Ngày ấy, Quỳnh đã thành niên, nhà quan Bảng sinh ra thị Điểm, dạy học trò đông lắm. Quỳnh ngày ngày giả vờ đến xem bình văn, để ngấp nghé cô Điểm. Học trò biết ý, vào thưa với quan Bảng, ngài liền cho bắt vào hỏi:
– Anh kia, anh muốn gì mà cứ thậm thò thậm thụt vào ra nơi đây?
Quỳnh thưa:
– Tôi là học trò, thấy trường quan lớn bình văn, tôi đến nghe trộm.
Quan Bảng nói:
– Ta biết rồi, anh đừng giả danh học trò mà bắt chước tuồng chim chuột. Có phải học trò thì ta ra cho một câu đối, không đối được thì đánh đòn!
Quỳnh vâng.
Quan Bảng ra một câu:
– “Thằng quỷ ôm cái dấu đứng cửa khôi nguyên.”
Quỳnh ứng khẩu đối ngay:
– “Con mộc dựa cây bàng dòm nhà Bảng nhãn.”
Quan Bảng ngạc nhiên vô cùng. Câu đối phải nói vào loại “Hóc” thế mà Quỳnh đọc ngay không cần nghĩ ngợi gì chứng tỏ phải là người thông minh xuất chúng. Ông có bụng yêu, bèn giữ Quỳnh lại nuôi cho ăn học. Từ ngày đó, như rồng gặp mây, Quỳnh học tấn tới lắm, kỳ nào văn cũng được đọc mẫu. Từ ngày trường quan Bảng có Quỳnh, bao nhiêu học trò danh sĩ đều phải nhận Quỳnh là tài giỏi hơn cả.
Quan Bảng thấy Quỳnh học giỏi, có ý muốn gả cô Điểm cho, mà cô Điểm nghe cũng thuận.
Quỳnh biết rằng cô Điểm chắc vào tay mình rồi, thỏa được ước nguyền, song tính tinh nghịch, cứ đùa cợt luôn. Cô Điểm đứng đắn, thùy mị lại không ưa kiểu chớt nhả, Quỳnh lại càng ghẹo dai. Chính vì vậy mới có những cuộc đối đáp lý thú về sau này…

6. Đối Đáp Với Đoàn Thị Điểm

Thuở còn đi học, Quỳnh càng ngày càng mê cô con gái thầy học là Đoàn Thị Điểm là người vừa xinh đẹp, đoan trang lại giỏi văn thơ.
Nhưng trêu chọc với nàng không dễ bởi ngoài tính tình đoan trang, Thị Điểm còn rất giỏi văn thơ nhất là ứng đối. Có lần Quỳnh từ phố Mía về, Thị Điểm thấy Quỳnh đang ngồi, liền ra ngay một vế đối có ý trêu:
“Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.” (kẹo tiếng địa phương còn có nghĩa là kéo lại).
Gặp câu đối ra toàn mía, mật kẹo, đường, Quỳnh nghĩ mãi không ra vế đối, bí quá, đành phải đánh bài chuồn.
Một hôm, thấy cô Điểm vào buồng tắm, nhà vắng, Quỳnh nghịch ngợm gõ cửa đòi vào. Cô Điểm vốn hay chữ, tức cảnh, ra ngay một vế đối, bảo Quỳnh đối được thì cho vào. Câu đối như sau:
– “Da trắng vỗ bì bạch!”. (Bì bạch, chữ hán cũng có nghĩa là da trắng).
Quỳnh nghĩ nát óc cũng không tìm ra câu để đối, đành lủi thủi bỏ đi nhưng nghĩ bụng sẽ tìm dịp lỡm lại Thị Điểm.
Một lần khác, Quỳnh ngồi đối diện với Thị Điểm qua cửa sổ Thị Điểm lại đọc một câu:
“Hai người ngồi song song hai cửa sổ.” (Song là hai, song cũng có nghĩa là song cửa). Lại một lần nữa, gặp câu quá hóc búa, Quỳnh bí quá đành lảng ra chỗ khác.
Một hôm tối trời, thừa lúc Thị Điểm ra ngoài, Quỳnh lẻn vào giường Thị Điểm nằm trước. Thị Điểm không biết, vào buồng sờ soạng, vô tình quờ ngay tay vào… Thị Điểm biết ngay là Quỳnh nghịch ngợm, liền ra cho một vế đối, bảo không đối được sẽ mách thầy học về tội sàm sỡ.
Vế đối ra như sau:
“Trướng nội vô phong phàm tự lập.”
(Trong phòng không có gió mà cột buồm lài dựng lên)
Lần này Quỳnh đối được ngay:
“Hưng trung bất vũ thủy trường lưu”
(Trong bụng không có mưa mà nước vẫn chảy dài).
Lần đó Quỳnh thoát tội.
Nhân ngày xuân, thầy sai Thị Điểm đem lễ lên chùa. Quỳnh được thầy cho theo cùng. Trên đường, Thị Điểm chỉ cây xương rồng bảo Quỳnh:
– Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long (Long là lỏng lẻo, chữ Hán long nghĩa là rồng, mà chữ rồng đã dùng ở trên).
Về ý, Thị Điểm nói bóng, Quỳnh ngang ngạnh, có dạy dỗ thế nào cũng không chuyển được.
Chữ đối đã khó, ý lại sâu xa. Thế mà Quỳnh đối lại được rất chỉnh, lại tỏ được cái ý nhất quyết giữ cái tính ấy và còn thách thức Thị Điểm nữa. Quỳnh đối mhư sau:
– Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử (Thử chữ hán nghĩa là chuột, mà chữ chuột cũng đã dùng trên).
Cũng qua lần đối đáp này, hai người thấy tư tưởng không hợp nhau nên từ đấy thôi xướng họa.

7. TẤT CẢ ĐỀU CÂM ĐIẾC

Sinh thời, lúc còn thanh niên, nổi tiếng là người thông thái, hiểu rộng, biết nhiều, nhưng Quỳnh không ưa gì chuyện cử nghiệp bởi chính ông là người luôn châm chọc cái cảnh phải luồn cúi của các “Bậc công hầu”. Vì vậy, mỗi lần triều đình mở khoa thi, nhiều người giục chàng lều chõng ứng thí, chàng đều gạt phăng, tìm cách nói lãng sang chuyện khác. Lần ấy vì nể thầy học, lời khuyên của bạn bè, và lòng kỳ vọng của dân làng, Quỳnh đành đi thi cho phải phép. Năm đó, nhà chúa mừng sinh nhật con trai, các quan trường bèn nảy ra ý định nịnh hót chúa, bàn nhau ra đề thi nói về điềm lành của đất nước. Đoán được ý ấy, Quỳnh nghĩ ra cách làm một bài văn phải hàm được hai nghĩa: Bề ngoài, đọc lên nghe như lời ca công đức của chúa và sự an vui của mọi người, nhưng nghĩa ẩn của nó lại là một sự phủ định. Trong bài văn ấy có hai câu khái quát hiện trạng đất nước như sau:
“Quan tắc cổ, dân tắc cổ, đái hàm quan Nghiêu Thuấn chi dân”.
(Nghĩa là: Quan cũng theo phép xưa, dân cũng theo phép xưa, đội ơn quan, dân được sống đời Nghiêu Thuấn) và đối lại:
“Thượng ung tai, hạ ung tai, ỷ đầu lai Đường ngu chi đức”.
(Nghĩa là: Trên cũng vui vậy thay, dưới cũng vui vậy thay, dựa vào đám đầu lại có đức độ thời Đường Ngu).
Mới nghe đọc lên lần đầu chúa Trịnh đã khen: Hay quá, người làm hai câu này thật xứng đáng cho giải nhất!
Quan chủ khảo đứng bên cạnh cũng đã từng nghe danh tiếng của Quỳnh, liền tâu với chúa:
– Khải chúa? Trong hai câu ấy, thần thấy có ẩn cái ý không thuận.
– Quan thật đa nghi quá. Ca tụng công đức của chúa như vậy có gì mà không thuận?
– Khải chúa, cứ theo cái nghĩa chữ Hán thì hai câu ấy đúng là hay thật, nhưng Quỳnh là loại thâm nho, từng đã dùng chữ nghĩa chơi khâm nhiều người và chắc hắn không bao giờ bằng lòng thứ văn chương một nghĩa. Theo sự hiểu biết cạn hẹp của thần, thì hai câu ấy xướng theo nghĩa đồng âm trực tiếp nghe ra ngại lắm, không dám đọc lên để chúa thưởng lãm.
– Ta cho phép quan cứ nói.
– Khải chúa, nếu vậy thần xin nói, hai câu ấy có dụng ý phỉ báng, táo tợn. Nếu đọc theo kiểu nôm, thì rõ ràng là câu chưởi tục.
– Chưởi tục cũng không sao, mà người cứ trình bày ta nghe thử!
– Vậy thần mạo muội thưa:
“Quan tắc cổ, dân tắc cổ”
Nghĩa là “Trên cũng câm, dưới cũng câm” (thưa tắc cổ là câm không dám nói đấy ạ!). Còn ” đái hàm quan Nghiêu Thuấn chi dân” tức là “đái vào hàm bọn quan lại dám bảo rằng dân chúng đang sống dưới thời Nghiêu Thuấn”.
– Nếu quả vậy thì Quỳnh láo thật!
– Khải chúa, chưa hết đâu. Câu sau này còn hàm ý báng bổ tệ hại hơn. “Thượng ung tai, hạ ung tai”, nghĩa là “Đứa trên thối tai, đứa dưới cũng thối tai”.
(Ung tai tức thối tai, là cả trên dưới đều là một lũ điếc đấy ạ). Vì điếc hết nên không biết rằng “ỷ đầu lai Đường ngu chi đức” nghĩa là hắn bảo ” ỉa vào đầu lũ nha lại dám bảo rằng kẻ sĩ đang mở mặt giữa đời Đường Ngu”.
– Lão quát! Thật láo quá! Vậy thì nên xử lý như thế nào?
– Khải chúa! Đối với Quỳnh phải hết sức thận trọng. Không thể bắt bẻ hắn ta, vì trên giấy trắng mực đen không thể luận tội được. Chí có một cách bí mật đánh hỏng y. Thần là chủ khảo, nên điều ấy không khó, xin chúa hãy yên lòng.
– Mà đánh hỏng Quỳnh có nghĩa là làm theo đúng ý của Quỳnh đâu có cần đỗ đạt. Quỳnh đi thi là để đáp lại tấm thịnh tình của mọi người thân, lại có cơ hội đả kích vào thói xu nịnh của đám quan trường và “Chọc” nhà chúa một trận nên thân, còn mình thì vẫn giữ tròn khí tiết

8. THỪA GIẤY VẼ VOI

Trong lần thi hội Cống, Quỳnh không có ý định để lấy Trạng Nguyên, nên Quỳnh nhận lời.
Lúc vào trường thi, Quỳnh làm bài rất nhanh, xong sớm trước nhiều thí sinh khác. Lẽ ra Quỳnh đem nộp quyển, nhưng vì chẳng thiết chuyện đỗ đạt, nên tái mái dở bài ra xem lại. Thấy còn một đoạn giấy trắng bên dưới, Quỳnh liền chấm bút vẽ một bầy voi, rồi tiện tay đề luôn bên cạnh mấy câu thơ ngẫu hứng:
Văn chương phú túc đã xong rồi
Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi?
Tớ có một điều xin bảo thật
Đứa nào cười tớ, nó ăn boi.
Quỳnh làm như vậy là cố ý chọc tức các quan chủ khảo, họ sẽ điên tiết lên khi đọc những dòng này và sẽ đánh hỏng Quỳnh với tội “Phạm trường quy”. Thực ra Quỳnh đâu cần sự thăng quan tiến chức.
Lúc ấy, có viên quan giám thị theo dõi, liếc thấy bài thơ tứ tuyệt ngạo mạn của Quỳnh, liền chạy đi báo với ban giám khảo. Quan sơ khảo và quan phúc khảo rón rén đến dòm thử thì quả đúng như vậy. Quỳnh biết các hành động của ban giám khảo, nhưng cứ tảng lờ coi như không. Đợi đến lúc các quan trường xúm lại đông đảo, Quỳnh mới đưa bút viết tiếp hai câu thơ nữa vịnh bức tranh voi vừa vẽ:
Voi mẹ, voi con, voi lúc nhúc
Chú sơ, chú phúc, rúc mà coi.
Đám quan viên lúc này cảm thấy sượng sùng nên bấm nhau rút lẹ, đứng lâu ở đó e không khéo lại bị Quỳnh chơi khăm, mất mặt nữa.

9. Ngọc Người

Chúa Trịnh có một viên ngọc quí, suốt ngày nâng niu, giữ gìn rất cẩn thận. Nhân một buổi dạ tiệc, chúa đem ngọc ra khoe. Các quan nhiều kẻ có thói hay nịnh bợ, đua nhau tán tụng. Kẻ thì nói: “Ngọc của chúa quý hơn ngọc của rắn, mang vào người, có thể nghe được tiếng chim kêu, tiếng sâu, kiến!”. Kẻ khác lại nói: “Ngọc của chúa quý hơn ngọc rết, giữ ngọc rết trong người dao chém không đứt, tên bắn không trúng, xông pha trận mạc như đi vào chỗ không người!”. Kẻ khác lại ngọt ngào: “Ngọc của chúa quý hơn ngọc ba tiêu, lấy trong cây chuối, ba nghìn năm mới có một lần, giữ được ngọc này thì thoát tục, tới được cõi bồng lai, lại có thể phân biệt được đâu là yêu quái, đâu là người trần tục!”. Nhiều kẻ thi nhau tán tụng, nào đó là ngọc kỵ thuỷ, ngọc kỵ hỏa v.v…
Thấy Quỳnh vẫn đứng yên không nói năng gì, chúa bèn hỏi. Quỳnh chắp tay cung kính thưa:
– Bẩm chúa, trong cõi trời đất này, không có gì quý bằng người. Ngọc rắn, ngọc rết có quí, những sau dám sánh bằng ngọc người? Ngọc người thì chỉ nằm trong óc người. Nhưng chỉ kẻ nào ngu ngốc mới có ngọc, còn khôn ngoan, thông minh thì không thể có được!
Chúa hỏi:
– Vì sao người ngu ngốc mới có ngọc?
Quỳnh đáp: – Chúa chả nghe người ta bảo người khôn thì anh hoa phát tiết ra ngoài đó ư? Còn kẻ ngu ngốc vì bao nhiêu cái khôn không xuất ra được nên hun đúc trong óc rồi lâu ngày dẫn thành ngọc!
Chúa nghe vậy thì tin, thích lắm bảo rằng:
– Ngươi nói nghe có lý. Vậy thì ngươi mau tìm cho ta một viên ngọc người vậy! Quỳnh lại tâu:
– Kẻ hạ thần tuy là người trần mắt tục nhưng vẫn thấy hào quang đang tỏa rạng quanh mình chúa.
Đám bá quan văn võ ưa xu nịnh nghe thế được dịp dập đầu thanh hô vang:
– Muôn tâu, hào quang tỏa rạng quanh mình chúa thượng. Hào quang tỏa rạng quanh mình chúa thượng! Chúng thần nhìn rõ lắm!
Nghe lời nịnh ấy, chúa vô cùng thích chí, mặt mày rạng rỡ. Quỳnh tiếp ngay:
– Tâu chúa thượng, đó chính là hào quang của viên ngọc. Nếu chúa muốn thấy nó, xin chúa hãy truyền cho ngự y tìm cách mổ óc ra sẽ được ngọc ngay! Chúa chợt hiểu ra mình bị chơi xỏ, tức uất người ngưng chỉ đành câm lặng trong khi bọn quan nịnh thì chả hiểu sao chúa vừa vui vẻ đã quay sang bực bội.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *